2015 có là năm hứa hẹn cho bán lẻ trực tuyến?
Theo báo cáo thống kê của Tổng cục Thống kê và Nielsen, thị trường bán lẻ là thị trường phát triển nhất trong những năm gần đây đặc biệt là ngành hàng tiêu dùng nhanh. Trong đó, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cao nhất trong khu vực (23%).
Báo cáo Thương mại Điện tử 2013 của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin dự báo thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 sẽ đạt doanh số tới 4,3 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2013.
Dù chưa thể định hình ngay cục diện của thị trường bán lẻ trực tuyến, nhưng với nhiều thương vụ lớn đã diễn ra năm 2014 cùng với chiến lược đầu tư của các tập đoàn, hứa hẹn sẽ là một năm đầy sôi động cho ngành bán lẻ.
Công ty cổ phần Sen Đỏ (chủ quản Sendo.vn) trực thuộc Tập đoàn FPT đã mua lại một trong nhữngsàn giao dịch TMĐT hàng đầu Việt Nam 123mua.vn của Công ty Cổ phần VNG với giá trị thương vụ ước tính khoảng 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó Sen Đỏ cũng công bố thương vụ hợp tác đầu tư chiến lược với 3 tập đoàn dịch vụ internet hàng đầu Nhật Bản, bao gồm: SBI Holdings, Econtext ASIA, BEENOS.
Vingroup, một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam đã khởi động dự án Vin-Ecom để khai thác thị trường thương mại điện tử màu mỡ này. Tuy nhiên cho đến nay những thông tin về sản phẩm của Vin-Ecom vẫn còn rất mù mờ.
Mảng thương mại điện tử của VCCorp – có tên riêng là Khối Zamba với nhiều sản phẩm như Rongbay.com, Enbac.com, Muare.vn, Muachung.vn, SohaPay.com, chonmon.vn, Eat.vn, Suma.vn và các dự án mới đang trong quá trình phát triển, với lượng khách hàng lên tới hơn 12 triệu và số giao dịch chiếm 30% tổng khối lượng giao dịch TMĐT trên thị trường.
Lazada.vn và Zalora.vn thuộc Rocket Internet (Đức) cũng đang phát triển nhanh chóng. cả 2 thương hiệu này đều nhận được mức đầu tư khủng trong vòng gọi vốn gần nhất, Lazada là 250 triệu USD từ Temasek Holdings (Singapore), còn Zalora là 112 triệu USD từ nhóm đầu tư tư nhân Access Industries (Mỹ).
Theo một vài nguồn tin, những ông trùm TMDT nước ngoài cũng đang có kế hoạch tấn công vào thị trường trong nước bao gồm Rakuten (Nhật Bản), Alibaba (Trung Quốc) và Amazon (Mỹ).
2014 cũng là năm đầu tiên Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam tổ chức Ngày Mua sắm trực tuyến (hay còn gọi là Online Friday) sẽ được tổ chức thường niên vào ngày Thứ Sáu đầu tiên của tháng 12 hàng năm đã thu hút trên 1000 doanh nghiệptham gia.
Sau những sự kiện lớn diễn ra trong năm 2014, dòng tiền hứa hẹn sẽ tiếp tục đổ mạnh vào ngành bán lẻ trong năm 2015. Cuộc đua tranh giành thị trường và người tiêu dùng sẽ không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn mà sẽ còn lan tỏa sang cả khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, cần có thời gian để người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng, cách thức thanh toán cũng như niềm tin vào các dịch vụ online. Cho tới thời điểm đó, TMĐT sẽ chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ bán hàng offline, cung cấp những công cụ online để giải quyết các vấn đề của bán hàng offline.
Theo Action.vn